Đuốc sáng

Chủ nhật - 14/07/2013 23:03

Đuốc sáng

Sinh ra không được lành lặn như những người bình thường, song 1.242 học sinh khuyết tật đang học tập hòa nhập ở các cấp học Tiểu học, THCS, THPT tại tỉnh Sơn La vẫn quyết tâm đến lớp. Việc đến trường như một niềm say mê giúp các em vượt qua mọi khó khăn đời thường để thắp sáng con đường tìm đến tri thức. Xin được gọi các em là “Những ngọn đuốc sáng
Đi học bằng ...tay

Bà con ở tiểu khu Pa Khen I, thị trấn Nông trường Mộc Châu thường xuyên thấy em Lầu A Sáng, thân hình nhỏ bé, mỗi buổi sáng nắng cũng như mưa đeo chiếc cặp trên vai... lết đi học. Anh Lầu A Lồng, hàng xóm của gia đình em Lầu A Sáng cho biết: Nó chịu khó đi học lắm, lại học giỏi. Việc Sáng vượt con đường dốc hơn 1km lổn nhổn đá sỏi bằng 2 bàn tay và một chân tương đối lành lặn là điều đáng khâm phục.

Khi chúng tôi đến thăm, bố mẹ Sáng đi làm chưa về. Trong nhà chỉ có Sáng và bà nội tuổi đã cao bị gãy chân phải nằm một chỗ 2 năm nay. Sáng bảo buổi chiều em thường học từ 3 đến 5 giờ, buổi tối em thường học đến 10 giờ.

Bố mẹ Sáng về, tôi được nghe những câu chuyện về em: Vừa sinh ra, Sáng đã mang nhiều bệnh. Khối u đằng sau mông đáng lẽ phải mổ từ khi 1 tuổi, thì đến năm em 7 tuổi, gia đình mới có điều kiện đưa đi mổ. Mổ xong cái chân không còn tập tễnh nữa mà bị co quắp, từ đó muốn di chuyển, Sáng phải lết bằng hai tay. Bệnh tật, đau yếu là thê, nhưng Sáng không chịu bỏ buổi học nào vì sợ không theo kịp các bạn khác. Năm nào Sáng cũng đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, được Hội Khuyến học thị trấn Nông trường Mộc Châu tặng giấy khen về thành tích vượt khó học giỏi.

Dựng lều đi học

Tòng Văn Hươi, học sinh lớp 10B trường THPT Mường Giôn, xã Mường Giôn (Quỳnh Nhai) bị dị tật bẩm sinh, song những gì em đã trải qua để đến trường không phải người lành lặn nào cũng làm được. Ấn tượng đầu tiên của tôi khi gặp Hươi chính là sự cảm phục. Khi nói chuyện dường như em phải vận dụng hết sức lực của mình để đẩy luồng hơi từ bụng lên đến phần cổ xơ cứng như bị ép lại rồi mới phát ra thành tiếng. Bởi vậy, câu nói của Hươi khá chậm và khó nghe.

Hươi cởi mở kể: Từ năm học lớp 6, em đã phải vượt quãng đường dài gần 8 km từ bản Khóp ra trung tâm xã để trọ học. Đến năm lớp 8, bố mẹ em xin dựng được cho em một ngôi nhà nhỏ trên mảnh đất của một người tốt bụng. Từ đó, em sống tự lập bằng số tiền, gạo và thức ăn bố mẹ gửi ra.

Cô giáo Hoàng Thị Xảo, giáo viên chủ nhiệm lớp Hươi học cho biết: Hươi có hoàn cảnh rất đặc biệt khó khăn nhưng bạn bè trong lớp ai cũng quý mến, bởi Hươi rất chăm chỉ học tập, lại ngoan ngoãn. Đó cũng là nhận xét của rất nhiều thầy cô giáo đã từng dạy Hươi trong suốt 4 năm em học tại trường THCS Mường Giôn.

Tan học, cô Xảo chỉ chúng tôi căn nhà của Hươi trên lưng đồi phía dưới. Nhà Hươi rộng chừng 10m2, bé tí như tổ chim dưới lùm tre. Trong căn phòng chật hẹp những bộ quần áo được treo gọn gàng trên móc, cạnh đó là một chiếc hòm gỗ và chồng sách vở xếp ngay ngắn.

Những học sinh mà chúng tôi tìm tới không phải anh hùng Đan Kô sẵn sàng móc trái tim mình làm ngọn đuốc dẫn đường cho những người dân như trong một bản trường ca nào đó mà các em là những con người bằng xương, bằng thịt, những ngọn đuốc tinh thần. Hãy chung tay góp sức thắp cho những ngọn đuốc ấy sáng hơn và sáng mãi...

http://cema.gov.vn/

Tác giả bài viết: Thành Đạo

Nguồn tin: sưu tầm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây